Đến bây giờ, Việt Nam vẫn là dân tộc sống trong thời chiến tranh nhiều hơn thời bình, chiến tranh kéo dài hơn 30 năm đã gây ra không ít đau thương và hậu quả của nó vẫn tồn tại đến nay. Nhiều nhà văn đã khai thác đề tài chiến tranh và nhà văn Chu Lai cũng là một trong số đó. Tiểu thuyết "Ăn mày dĩ vãng" của ông viết về chiến tranh, nhưng không chỉ là một cuộc chiến tranh súng đạn tàn khốc đã từng xảy ra ở Việt Nam mà còn là cuộc chiến tranh giữa những con người trở về từ sau bom đạn - cuộc chiến tranh ấy còn khốc liệt hơn nhiều.
Cuốn tiểu thuyết kể về hành trình tìm lại dĩ vãng của nhân vật trung tâm Hai Hùng- một người chỉ huy đặc công chiến đấu vùng ven đô Sài Gòn. Sau 1975, đất nước thống nhất, nhịp sống hòa bình trở lại mảnh đất Nam Bộ. Trong chiến tranh, Hai Hùng là vị chỉ huy có tài, khét tiếng, là nỗi ám ảnh quân địch. Anh có một tình yêu đẹp với cô gái miền Tây tên Ba Sương làm nhiệm vụ quân y. Trong một lần bị phục kích, họ bị kẹt trong hầm. Nhưng đời trớ trêu, sau giây phút tương giao ấy, họ cùng chạy trong làn đạn kẻ thù. Cuối cùng bị lạc mất nhau.
Vậy mà, ngày hôm nay, thất thểu bước chân vào một nhà hàng, Hai Hùng nghe vang lên từ phòng bên cạnh một giọng nói quá đỗi thân quen, lần theo giọng nói, vượt mặt qua đám vệ sĩ, trước mắt Hai Hùng là Ba Sương- cô người yêu đã chết 20 năm về trước dưới cái tên Tư Lan, là giám đốc lâm trường. Thì ra Ba Sương chưa chết? Cái xác Hai Hùng cướp về là ai? Chính tay ông đã chôn cất người yêu ngày đó cơ mà. Từ đây, Hai Hùng bắt đầu hành trình “ăn mày dĩ vãng”, bạn đọc hồi hộp theo bước chân ông như đang theo dõi một bộ phim trinh thám đầy kịch tính. Sự tránh mặt của Ba Sương- Tư Lan; cuộc gặp gỡ với Ba Thành, Tám Tính, Tuấn…; Hồi ức cái chết của Viên, của Bảo, của cô gái giao liên; Những khát vọng rất nhân văn của những người lính… Nhà văn Chu Lai khiến bạn đọc không rời khỏi trang sách khi ông liên tục dùng lối “Bàng thoại” vốn sử dụng trong kịch sân khấu trò chuyện với độc giả.Lối viết của Chu Lai khiến độc giả hồi hộp, tập trung, thần kinh như bị căng ra đến độ muốn đứt nhưng không đứt được, cứ lằng nhằng, khó chịu, bứt rứt, rồi đứng im, rồi hụt hẫng, chao đảo, buồn thương, tiếc nhớ. Xen lẫn một chương hiện tại với một chương quá khứ, Ăn mày dĩ vãng đúng thực là ăn mày dĩ vãng, gã ăn mày không cần tiền vàng chức tước mà chỉ cần một cái quá khứ bị đánh cắp, một cái sự thật rõ ràng, không ngại khó mà lội ngược dòng tìm người thương và những bối rối cả đời cần được tháo gỡ, cần được giải đáp. Thương lắm, cảm động lắm, tình yêu ấy đẹp lung linh và tỏa ra một thứ ánh sáng muôn vẻ...
Trong cuộc chiến tranh đó con người đã vượt qua những cá tính tầm thường để đến với nhau trong tình anh em, đồng chí, đồng đội là cội nguồn của sức mạnh chiến thắng. Đó còn là một thực tại hòa bình, khi bom đạn đã lùi xa, nhưng đầy rẫy tiêu cực trong đó tiêu cực nhất là sự lãng quên chối bỏ quá khứ của một lớp người trong xã hội, và cuộc chiến với cái xấu cái ác dường như vẫn phải tiếp tục.
Bạn muốn biết tại sao Ba Sương không chết? Bạn quan tâm liệu họ có gặp nhau, có dành cho nhau tình yêu như thuở xưa. Liệu có điều gì ngăn cản hai “trái tim khô”, câu trả lời nằm trong 16 chương truyện của cuốn tiểu thuyết nhé.
Cái kẻ được gọi là kẻ "Ăn mày dĩ vãng" ấy đã có thời dám quên đi mạng sống của mình vì đồng đội, vì một lý tưởng cao đẹp cho tổ quốc vậy mà bây giờ lại trở thành một người tàn tạ và gần như "dư thừa". Anh bộ đội khi ra khỏi chiến tranh lại mang một hình hài thảm hại như vậy sao? Chu Lai đã mạnh dạn dám đưa ngòi bút của mình vào những nơi "sâu tối" nhất, những ngóc ngách nhất của cuộc sống và vì vậy thực tế hiện lên thật phũ phàng. Đó quả thực là những điều có thể xảy ra trong thực tế mà đôi khi chúng ta cố lẩn tránh đi, cố bỏ quên nó để đắm chìm trong những vòng hào quang lung linh của chiến thắng. Có thể ta cũng bắt gặp phần nào đó của mình trong con người Ba Sương xưa kia, của Tư Lan bây giờ, cứ ngủ quên mãi với những tôn vinh, với những vỏ bọc hào nhoáng mà cố tình quên đi con người thật của mình điều đó còn đáng sợ hơn cả cái chết. Nhưng nhà văn đã để cho Ba Sương cuối cùng cũng thú nhận tất cả dám nhìn thẳng vào dĩ vãng để thấy một điều rằng không phải những người như Hai Hùng, mà lại chính là mình và những kẻ đồng lỏa với mình như thằng Địch mới chính là những kẻ "Ăn mày dĩ vãng" nhờ dĩ vãng để có thể tồn tại trong hiện tại, mà cũng có được đâu? Một kẻ lao mình vào bóng tối, một người vĩnh viễn ra đi, và câu chữ của Chu Lai như cũng buông tiếng thở dài.
1. CHU LAI Ăn mày dĩ vãng/ Chu Lai.- Hà Nội: Văn học, 2018.- 415tr.; 21cm. Tên thật tác giả: Chu Văn Lai Chỉ số phân loại: 895.922334 CL.ĂM 2018 Số ĐKCB: TK.00149, TK.00150, TK.00151, |
Đọc "Ăn mày dĩ vãng" của Chu Lai, chúng ta gặp lại chân lý của cuộc sống, phải sống cho thực, cho đúng là mình. Và hơn thế, ở đó, ta cũng gặp một sự nâng niu, tôn trọng đối với cuộc sống mà tạo hóa đã ban cho. Con người có thể đã lẫm lỡ khi gây ra chiến tranh để tàn sát lẫn nhau hay đó chỉ là một bước trong vòng quay của sự sinh tồn? Nhà văn không khai thác sâu vào vấn đề đó mà ông muốn người đọc nhận ra những tấm lòng cao thượng, những trái tim trong sạch biết đập những nhịp đập của "con người". "Không bao giờ là muộn cả nếu trong lồng ngực mình vẫn còn đập một trái tim trong sạch". Hùng của 16 năm sau chiến tranh, dù thân thể đã tiều tụy vẫn giữ được một trái tim, một tấm lòng của "con người dĩ vãng". "Tôi muốn nói với em một lời: cuộc chiến tranh vừa qua có thể là trò đùa nhưng sự mất mát lại là có thật. Cuộc đời hôm nay có thể chỉ là tấn tuồng nhưng nỗi buồn không bao giờ là một màn kịch cả". Kết thúc câu chuyện như thế, "Ăn mày dĩ vãng" đã để lại dư âm nhiều hơn trong lòng bạn đọc.